Người trong giới gọi ông là “vua quạt đất Bắc”. Vợ và con gái cũng dành tặng ông một cái tên trìu mến “bố Lê quạt”. Chỉ từng đó cũng nói lên phần nào chân dung của CEO Trần Văn Lê - giám đốc công ty TNHH Sản xuất cơ điện và Thương Mại Phương Linh - một doanh nhân đi lên từ hai bàn tay trắng và những số 0 tròn trĩnh …
Qua ngày khổ tận…
Trần Văn Lê sinh ra và lớn lên trên mảnh đất “nhút mặn, cà chua” Thanh Chương, Nghệ An. Lê là con thứ tư trong gia đình có năm anh em, bố mẹ đều là nông dân chân chất, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Tuổi thơ của anh là những năm tháng thời chiến đầy khó khăn, cơ cực. Cũng phải mò cua bắt ốc, nuôi gà chăm lợn. Cũng phải làm lụng đủ trò cùng gia đình kiếm kế sinh nhai.
Là người có nhiều ý tưởng. Ngay từ hồi bé, muốn giúp bố mẹ giã gạo nhưng vì nhỏ con nên đạp dẫm thế nào cái chày vẫn không nâng lên được, Lê bèn kiếm thêm cục đá nặng buộc vào lưng để tăng thêm trọng lượng, thế là giã ngon lành.
Cũng như hầu hết những đứa trẻ lớn lên trên mảnh đất miền Trung nắng cháy, khô cằn, ngay từ thơ bé, Lê đã được cha mẹ dạy dỗ phải học, đói cũng phải học, rét cũng phải học, học để thoát khỏi cảnh bần nông đi sau con trâu cái cày. Suốt 12 năm học, Lê luôn đứng đầu lớp và được thầy cô, bạn bè tin tưởng giao cho trọng trách làm lớp trưởng.
Học hết phổ thông, Lê vui vẻ lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của quê hương. Trong quá trình công tác, do hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, anh được đề cử dự tuyển và thi đỗ vào trường Kỹ thuật của Tổng cục Hậu cần (Bộ QuốcPhòng). Đi học ở trường bộ đội, Lê lại tiếp tục vị trí thủ lĩnh và là một trong những người được vào Đảng sớm nhất. Có thể nói chính môi trường quân đội đã tôi luyện anh một bản lĩnh thép, tạo nền tảng cho anh vượt qua muôn vàn khó khăn, thôi thúc mong muốn được làm chủ trong anh ngày một cháy bỏng.
Sau 4 năm học tập và rèn luyện tại mái trường này, Trần Văn Lê được phân về công tác tại một đơn vị kinh tế của Tổng cục Công Nghiệp, Bộ Quốc Phòng. Chiến tranh kết thúc cũng là thời điểm kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn. Như rất nhiều công nhân viên chức không sống nổi bằng đồng lương eo hẹp, Lê cũng quyết ra ngoài để bươn trải cuộc sống.
Đây cũng là thời điểm anh lập gia đình. “Khó khăn chồng chất nhưng có lẽ cơm áo gạo tiền vẫn không thắng nổi tình yêu và lý lẽ của con tim”- Lê vẫn cười hóm hỉnh mỗi lần nhớ lại những ngày tháng ấy.
Vợ anh làm cùng đơn vị. Ngày cưới của hai người, có lẽ, chỉ có cô dâu và chú rể là “của nhau”, còn lại, từ bộ com-lê đến đôi giày đều… là của người khác, đều phải đi mượn. Đến cái nhà nho nhỏ cũng phải đi mượn nốt.
Sau tân hôn là những ngày dài lăn lộn với cuộc sống mưu sinh, rồi cũng quên luôn cả cái gọi là “tuần trăng mật”. Thôi thì đủ việc, từ bốc vác thuê đến về Nghệ An mua trứng vịt, mộc nhĩ, đậu xanh mang ra chợ Đồng Xuân ngồi bán. Cũng ngồi chọn từng quả trứng cho từng đối tượng khách hàng, hay nhặt từngtai mộc nhĩ để bán với những giá khác nhau, đồ ngon thì bán Chợ Đồng Xuân, kém hơn chút thì bán chợ Ngã Tư Sở hay lên mạn Sơn Tây, Hòa Bình… Có tí vốn, Lê lại mua một ít quần áo, thuốc lá, hạt hướng dương… từ Hà Nội đưa về quê tiêu thụ. Những bữa cơm, những chi tiêu gia đình, nhờ thế, cũng đỡ khó khăn hơn.
Cái dạo đó, bỗng dưng bến xe Bắc - Nam bỗng nhộn nhịp hơn với anh chàng trệu trạo giọng quê xứ Nghệ. Thời gian đầu, cái mặt chân chất, thật thà của Trần Văn Lê khiến anh phải nhận không ít những trận đòn “dằn mặt” của dân “ anh chị” ở bến xe. Đánh nhiều rồi cũng chán, cũng nhàm vì xem ra nạn nhân không có ý định bỏ cuộc. Cứ thế, những chuyến xa đường dài Hà Nội - Nghệ An dần quen mặt chàng thanh niên nhanh nhẹn, chịu khó.
Mê mải kiếm sống nhưng vẫn cứ nghèo, Lê bỗng thấy thiếu cái gì đó. Rồi một ngày thức dậy, anh thông báo với vợ một quyết định quan trọng: sẽ phải học. Năm 1991, anh chàng Trần Văn Lê đến trường Kinh tế quốc dân đăng ký học lớp Quản trị kinh doanh dành cho giám đốc. Không ít người cười thầm khi thấy gã gàn này kiếm ăn không lo lại thích “trưởng giả học làm sang”. Lê kệ. Bụng bảo dạ, học thử, xem có gì thay đổi không.
Máu là làm, không có tiền, Lê đi vay một chỉ vàng về bán được 480 nghìn và bù thêm 20 nghìn nữa để đủ đóng học phí. Ngày đi làm đủ thứ trên đời, tối lại lọc cọc đạp xe mấy chục cây số đi học. Da đen cháy, tóc cũng chẳng có thời gian cắt. Lớp học hầu hết là các giám đốc quần áo bóng nhoáng, nước hoa thơm phức, xe xịn lúc nào cũng chờ đưa đi đón về. Có mỗi cái xe đạp cọc của anh Lê đen nhẻm luôn ngồi bàn đầu là hôm nào cũng bơ vơ dưới gốc cây bàng. Bác bảo vệ thương, cũng không thèm lấy tiền gửi xe.
Ấy thế mà chính những buổi học ấy đã thay đổi toàn bộ suy nghĩ của Trần Văn Lê. Anh đã biết thế nào là hàng hóa, là marketing, thế nào là thị trường, thế nào là khách hàng…
Lê cũng biết thế nào là lợi nhuận. Trước đây, buôn thúng bán mẹt cũng chỉ để lấy tiền chỗ này đổ vào chỗ kia mà thôi. Nhưng cũng chính nhờ những ngày ngồi cổng chợ kết hợp với những kiến thức, tư duy kinh doanh lĩnh hội qua ba tháng đi học, Trần Văn Lê quyết định phải thử sức với một cái gì đó mới mẻ hơn.
Tìm sự sống từ những thứ đã “chết”
Tự nhủ lòng muốn làm ông chủ thì trước hết phải đi làm thuê đã, Trần Văn Lê bỏ việc buôn bán chợ búa để xin làm thuê cho một ông chủ chuyên đánh các mặt hàng đồ cũ, máy móc hỏng, phế liệu. Trong những lần đi bốc hàng, Lê có thêm các mối quan hệ và hiểu hơn về máy móc, kỹ thuật. Thời đó, người ta đánh từng lô đồ cũ về rồi lại bán theo kiểu “tàu nhanh” để ăn chênh lệch. Không ít người giàu lên nhờ cách “hớt váng” như thế.
Nhưng Lê lại tư duy khác. Tại sao không sửa chữa lại một chút, làm tăng giá trị của nó để bán giá cao hơn. Ý nghĩ đó cứ thôi thúc mãi trong đầu. Đến một ngày, Lê quyết định xin nghỉ việc và tự mở một cửa hàng nhỏ thu mua máybơm, quạt gió, mô-tơ cũ. “Một mình một ngựa”, một chủ một cửa hàng, cứ có lô máy nào về, cái ngon thì cất đi, cái cũ thì hì hụi tháo ra, thay pin, lau dầu, bảo dưỡng rồi mới bán. Và thường chỉ cần bán 3 cái, Lê đã thu lại số tiền bằng người ta phải bán cả lô hàng.
Cái thời của Lê, người ta đã rộ lên mốt mua xe máy cũ về tân trang rồi bán kiếm lãi, nhưng hầu như ít ai nghĩ đến việc mua máy bơm, mô-tơ, quạt gió, đồ công nghiệp cũ… về bảo dưỡng, sơn sửa như Lê. Những đêm không ngủ,những ngày lấm lem với ốc vít, những bài học được rút ra từ những thất bại thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả máu khi anh phải mất đi ngón tay cái trong một lần sửa máy.
Không ít lần chỉ vì cái kiểu “máu là làm” mà vợ chồng đâm ra cãi nhau, bất đồng quan điểm. Bố Lê tức tốc vượt gần 400 cây số ra Hà Nội chỉ để khuyên bảo con trai. Và cuối cùng thì vẫn phải bỏ cuộc trước “thằng con cứng đầu”.
Trong mắt bạn bè, người quen hồi đó, Lê là một “thằng liều” chính hạng.
Nhưng cái liều của Lê đã được tính toán kỹ. Thời điểm ấy, ở Hải Phòng có phong trào phá dỡ tàu cũ, Trần Văn Lê đã tìm và lùng mua được hàng nghìn động cơ cũ, xe cải tiến chở từ 1h chiều đến 12h đêm mới hết. Vợ con hoảng, bạn bè lắc đầu ngao ngán. Chỉ có anh Lê là hăm hở nghiên cứu, đục đẽo suốt ngày đêm.
Kiếm được một khoản tiền, Lê quyết định đi học… lái xe. Về nhà bàn với vợ, vợ kêu lên “Anh có mộng mơ quá không?”. Lê mới dỗ dành rằng cứ học, mai này thất nghiệp thì đi lái taxi nuôi mẹ con. Nhưng thật ra trong thâm tâm “gã liều” đã nghĩ dần đến ngày sẽ mua ô tô riêng. Và cái bằng lái xe sẽ là “cục gạch” đầu tiên để xây lên giấc mơ đó.
Vừa làm, Trần Văn Lê vừa mua thêm tài liệu về nghiên cứu để hiểu hơn cấu tạo, công suất, chức năng của từng cái ốc vít, mô-tơ. Lê học rất nhiều, nhưng không học tràn lan theo kiểu hàn lâm mà học những gì mình muốn biết, học những cái cần thiết cho công việc, cho con đường mình đang theo đuổi.
Theo phương thức ấy, ngày qua ngày, dần dà anh cũng tích cóp được ít vốn để mở rộng các hoạt động kinh doanh của mình. Cũng nhờ tiếp cận được với kinh tế thị trường, Trần Văn Lê thấu hiểu hơn cụm từ “Khách hàng là thượng đế”, những từ ngữ mà trước đây anh vẫn nghĩ là sáo rỗng. Có những hợp đồng anh tự tay sửa chữa, bảo dưỡng và đạp xe chở đến tận nhà cho khách hàng không quản đêm hôm mưa gió. Cũng nhờ sự nhiệt tình đó mà mối quan hệ của anh càng mở rộng hơn, nhiều người tìm đến anh hơn, thậm chí các thầy giáo ở trường ĐH Bách Khoa Hà Nội - khách hàng của Lê còn vui vẻ cho “ông chủ tiệm đồ cũ” mượn sách, tài liệu kỹ thuật về tham khảo.
“Người ta làm được, mình cũng phải thử!”
Cái thời Liên Xô sụp đổ, Đông Âu tan rã, hàng công nghiệp bắt đầu khan hiếm, Trần Văn Lê đã trăn trở “Tại sao mình không tự sản xuất để khỏi phụ thuộc nước ngoài?”. Nhưng ý tưởng của anh bị rất nhiều người ngăn cản bởi thời đó chỉ có Nhà nước mới sản xuất được những mặt hàng phức tạp như thế. Bỏ qua sự dè bỉu, Trần Văn Lê vẫn tin mình sẽ làm được. Bởi hơn ai hết, những năm tháng làm thợ, gắn bó với từng cái ốc vít, mô-tơ đã giúp anh có một kho kinh nghiệm mà không phải kỹ sư nào cũng có được.
Thời điểm đó, nhu cầu về thông gió, hút bụi xử lý môi trường tăng cao và anh đã nghĩ đến sản xuất mặt hàng quạt công nghiệp. “Người ta làm được thì mình cũng phải thử !”, ý định đó cứ thôi thúc Lê trong những đêm không ngủ.
Chính câu nói “Trên đời này, muốn làm giàu thì phải biết trả lương cho người khác” trong quyển Bách khoa làm giàu đã tác động rất lớn đến Trần Văn Lê. Anh quyết định thành lập công ty và thuê thêm nhân viên cùng làm. Trong lúc mọi thứ vẫn mông lung phía trước, đồng vốn hạn hẹp, nhân lực ít, việc công ty TNHH Phương Linh ra đời được cho là “đỉnh liều” của Trần Văn Lê. Nhưng anh vẫn tự tin vào quyết định của mình với suy nghĩ “Khi đã có một ngôi nhà lớn rồi thì bắt buộc mình sẽ phải có những ý tưởng lớn, hành động lớn”.
Đã có những khó khăn, đã có những thất bại, thời gian đầu có những đơn hàng phải tháo ra làm lại đến lần thứ 5 để chiều theo khách hàng. Cũng chính vì sự phục vụ chu đáo, nhiệt tình ấy đã dần tạo cho Phương Linh uy tín nhất định.
Thời đó, quạt cây chống nóng người ta bán 850 nghìn/cái, Lê tự mua động cơ về lắp ráp, sản xuất ra những chiếc quạt tương tự, bán ra với giá 820 nghìn/cái. Máy chạy êm, mẫu mã đẹp, không thua nhiều so với hàng nhập ngoại. Lô quạt của Lê được bán sạch sẽ trong vòng 2 năm, đem lại nguồn lợi nhuận bất ngờ so với số vốn ít ỏi bỏ ra để mua đống động cơ. Từ đó, người ta thôi không dám bàn tán nhiều về anh Lê “liều” nữa. Từ chỗ hàng chỉ tiêu thụ lẻ tẻ cho những cá nhân nhận lắp đặt, dần dà các doanh nghiệp nhà nước đã chủ động tìm đến anh để đặt hàng.
Khi mà xã hội đang quay cuồng trong cuộc đối đầu với ô nhiễm môi trường, khói bụi thì cũng là lúc Lê “quạt” sản xuất thành công máy hút bụi công nghiệp và hệ thống hút, lọc bụi được khách hàng đánh giá cao. Đó là lợi thế cạnh tranh lớn nhất của Phương Linh và mảng này đã phát triển rất thành công.
Từ chỗ là người thợ, chấp nhận làm thuê, giúp việc cho các ông chủ cơ sở sản xuất, đổ bao mồ hôi, nước mắt trên thương trường, nay Trần Văn Lê đã là ông chủ chuyên sản xuất quạt công nghiệp vào hàng lớn nhất ở miền Bắc. Thương hiệu quạt Phương Linh ra đời đã hơn 12 năm, gặt hái rất nhiều thành công và uy tín trên thương trường. Với công nghệ sản xuất hiện đại, phù hợp với nhu cầu thực tế của cuộc sống công nghiệp hóa, ông chủ Lê được “người trong giới” âu yếm gọi là “vua quạt đất Bắc”. Các loại quạt công nghiệp do Phương Linh sản xuất đã có mặt ở hầu hết mọi miền đất nước và đặc biệt ở những công trình trọng điểm quốc gia, được khách hàng nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…đón nhận. Đến nay, Phương Linh đã sản xuất hầu hết các loại quạt công nghiệp và thay thế được hàng nhập khẩu.
Trong những năm khủng hoảng kinh tế gần đây, khi các doanh nghiệp khác đứng yên tại chỗ, thậm chí đóng băng thì ở Phương Linh các đơn hàng vẫn tấp nập đổ về, công xưởng vẫn nhộn nhịp tiếng đe, tiếng búa. Nhờ công tác nghiên cứu thị trường để tái cơ cấu đúng lúc, đúng chỗ, phát triển đa dạng các dòng sản phẩm, mở rộng thị phần… nên Phương Linh vẫn là một con tàu cứng cáp hiên ngang lao đi giữa cơn bão kinh tế thị trường.
Là một người đã trải qua những tháng ngày gian khổ với hai bàn tay trắng nên Lê rất hiểu và thương công nhân của mình. Nhân cách, phong cách lãnh đạo và chính sách sử dụng nhân sự của Phương Linh đã là điểm hẹn của những tài năng. Vì thế không khó hiểu khi Lê có trong tay một lực lượng công nhân hùng hậu và rất giỏi về kỹ thuật. Nhận được nhiều giải thưởng, huy chương vàng, cúp vàng trên thương trường nhưng Trần Văn Lê vẫn luôn tự coi mình vừa là thầy vừa là thợ. Lê không ngại rời bàn giấy xắn tay lao vào giúp một anh thợ đang loay hoay sửa máy.
Ngồi tiếp chuyện tôi, Lê “quạt” vẫn bận rộn nhận những cuộc gọi từ khách hàng gọi đến, từ xưởng máy gọi về. Ngạc nhiên là chỉ cần nhân viên kể lại một biểu hiện nào đó của máy móc là Trần Văn Lê có thể vanh vách chỉ đạo, điều khiển từ xa, hướng dẫn cách khắc phục vấn đề. Bởi vị giám đốc ấy “hiểu điện, hiểu máy còn hơn hiểu vợ”- như lời nhận xét vui của bà xã anh. Lê mở ra các lớp đào tạo nội bộ do chính mình đứng lớp, truyền tải một cách nhiệt thành tất cả những gì mình đã học được trên đường đời, từ những ngày chỉ hai bàn tay trắng mà đi lên như hôm nay.
Mặc dù đã xấp xỉ tuổi 50, sở hữu trong tay 20 chứng chỉ đào tạo trong đó có bằng cử nhân ĐH Bách Khoa Hà Nội, nhưng với doanh nhân Trần Văn Lê, những kiến thức về quản trị kinh doanh, những kinh nghiệm trong sản xuất, những bài học trên thương trường chưa bao giờ là đủ đối với anh. Bản tính ham học hỏi, sự từng trải và ý chí kiên định của một người con xứ Nghệ ăn sâu trong máu Trần Văn Lê, nhắc nhở anh luôn biết lắng nghe. Lắng nghe khách hàng, lắng nghe nhân viên, lắng nghe từng biến động nhỏ nhất của thị trường.
- Năm 2002: HCV Hàng Việt Nam chất lượng cao của Bộ Công nghiệp
- Năm 2005: Bằng khen của UBND Thành phố Hà Nội
- Năm 2006: Cúp Vàng TopTen - Sản phẩm thương hiệu Việt uy tín, chất lượng của năm do Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam trao tặng. Cúp Vàng Hội chợ quốc tế hàng công nghiệp Việt Nam của năm do Bộ KH&CN trao tặng.
- Năm 2008: Giải thưởng “Thương hiệu mạnh Việt Nam” do Bộ Công Thương trao tặng
- Năm 2010: Giải thưởng “Thương hiệu nổi tiếng quốc gia” do Bộ Công Thương trao tặng
- Năm 2011: Cúp Vàng sản phẩm chất lượng ngành xây dựng do Bộ Xây dựng trao tặng.
- Trần Văn Lê cũng vinh dự được nhận giải thưởng Bạch Thái Bưởi và danh hiệu Doanh nhân đất Việt thế kỷ 21 vào năm 2006 do Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam trao tặng.