Chưa hoàn thành 4/7 chỉ tiêu giảm ô nhiễm
Lượt xem: 661
(Báo xây dựng) Nguyên nhân các chỉ tiêu không đạt được xác định là do sự thiếu thống nhất trong cách triển khai kế hoạch, các cơ chế chính sách chưa được xây dựng rõ ràng, hợp lý, ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường cao.
Ảnh minh họa: Phân loại xử lý rác thải y tế tại TPHCM.
UBND TPHCM vừa có báo cáo tổng kết kết quả 5 năm thực hiện Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2011-2015.
Theo đó, trong số 7 chỉ tiêu giảm ô nhiễm đặt ra trong giai đoạn từ 2011-2015, đến nay Thành phố hoàn thành 3 chỉ tiêu. Cụ thể gồm: 80-90% cơ sở sản xuất, dịch vụ, thương mại có lưu lượng nước thải từ 10m3/ngày đêm trở lên có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn; 100% KCN, KCX, Khu CNC đã đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 100% người dân được phổ biến, tuyên truyền về bảo vệ môi trường.
Những chỉ tiêu chưa hoàn thành là: 90% khu đô thị mới và 50% khu đô thị hiện hữu có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung; giảm thiểu 80% mức độ ô nhiễm nguồn nước tại khu vực nội thành và 60% tại ngoại thành; giảm thiểu 70% mức độ ô nhiễm không khí, tiếng ồn do sản xuất và 50% ô nhiễm do hoạt động giao thông; chỉ tiêu trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn.
Nguyên nhân các chỉ tiêu trên không đạt được xác định là do sự thiếu thống nhất trong cách triển khai kế hoạch, các cơ chế chính sách chưa được xây dựng rõ ràng, hợp lý, ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường cao...
Riêng đối với chỉ tiêu trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn, do Thành phố không có chủ trương thực hiện một số dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải nên không thể hoàn thành chỉ tiêu “xử lý chất thải rắn làm compost 40%, phân loại tái chế 10%, đốt phát điện 10%, chôn lấp hợp vệ sinh 40% trên tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị”.
Bên cạnh đó còn có nguyên nhân nữa là việc triển khai chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn cũng gặp nhiều khó khăn do hạ tầng kỹ thuật từ hệ thống thu gom, vận chuyển, trung chuyển chưa đồng bộ.
Kết quả cụ thể đạt được là mỗi ngày chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, vận chuyển đến các khu xử lý, ước đến năm 2015 các chỉ tiêu đạt được: làm phân compost đạt 24% (chỉ tiêu 40%), tái chế đạt 7,4% (chỉ tiêu 10%), đốt phát điện đạt 5,2% (chỉ tiêu 10%), chôn lấp hợp vệ sinh đạt 63,2% (chỉ tiêu 40%).
Về giải pháp khắc phục trong thời gian tới, Thành phố sẽ triển khai lập Quy hoạch xử lý chất thải rắn trên địa bàn Thành phố đến 2025 và tầm nhìn đến 2050; xây dựng lộ trình cụ thể để từng bước chuyển đổi công nghệ xử lý tiên tiến; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng ít nhất 01 dự án xử lý chất thải rắn công nghiệp; đồng thời đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nghiên cứu ban hành quy chế hoạt động của các Khu Liên hợp xử lý chất thải.
Trong giai đoạn 2016-2020, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Thành phố đặt mục tiêu 95% các cơ sở sản xuất, thương mại, dịch vụ có hệ thống xử lý đạt quy chuẩn môi trường; 90% nguồn khí thải công nghiệp tập trung được xử lý; giảm 70% ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông vận tải so với năm 2010…