Hiệp định TPP: Kích mạnh dòng vốn ngoại vào thị trường BĐS Việt Nam

Lượt xem: 769

 

PHƯƠNG LINH - Khẳng định đẳng cấp quốc tế 

Nhu cầu đầu tư vào tất cả các phân khúc BĐS đều tăng

Ông Jonathan Tizzard - Giám đốc Bộ phận nghiên cứu và định giá Cushman & Wakefield cho rằng: “Những lợi ích sẽ tiếp tục được nhắc đến trong bối cảnh nền kinh tế đang trong quỹ đạo đi lên. Ngày càng có nhiều khách thuê công nghiệp sẽ đến Việt Nam để tận dụng lợi thế của TPP cùng với các hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam đã và đang tham gia, do đó nhu cầu về BĐS công nghiệp sẽ tiếp tục gia tăng”.

Bên cạnh đó, ông Jonathan Tizzard cũng cho rằng số lượng người dân có khả năng mua nhà ở, căn hộ đắt tiền sẽ tăng lên. Nhu cầu về văn phòng chất lượng quốc tế cũng sẽ tăng khi các tập đoàn công nghiệp tìm kiếm không gian văn phòng tại trung tâm thành phố. Tốc độ đô thị hoá tại các thành phố lớn và nhỏ sẽ tiếp tục khiến người lao động nông nghiệp tìm đến các KCN để làm việc.

Cùng quan điểm, ông Richard Leech - Giám đốc điều hành Cty CBRE Việt Nam cho rằng: Các chủ đầu tư của Singapore, Malaysia và Hàn Quốc đang bắt đầu kế hoạch phát triển, thiết kế và sẵn sàng khởi công các dự án lớn, trong khi chủ đầu tư Nhật Bản và các liên doanh đang tìm kiếm đất phát triển dự án và tăng cường chiến lược gia nhập thị trường Việt Nam. “Hưởng lợi nhất khi các DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam là phân khúc BĐS KCN. Bởi họ sẽ phải xây dựng hàng loạt nhà máy, kho xưởng. Cùng với đó, hệ thống dịch vụ như khách sạn, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê cũng sẽ phát triển theo” - ông Leech nói.

Từng thành công khi biến mỏ đá bỏ hoang ở ngoại ô Kuala Lumpur thành KĐT rộng lớn tại Malaysia, Tập đoàn Berjaya của quốc gia này đã quyết định đầu tư một KĐT mới tương tự như vậy tại Hà Nội. Và thời gian gần đây, nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài cũng đã chọn Việt Nam là nơi đầu tư, phát triển các dự án mang chuẩn quốc tế. Ông Chua Chun Fong - Đại diện ủy quyền Cty TNHH Berjaya - Handico 12 cho biết: 5 năm vừa qua, thị trường BĐS Việt Nam đã trải qua thời kỳ dài ít giao dịch. Hiện tại thì giao dịch rất tốt, nhu cầu về nhà ở của người dân cao. Đặc biệt, kinh tế vĩ mô tương đối ổn định sẽ là tiền đề cho sự phát triển bền vững của BĐS. Các hành lang pháp lý liên quan đến đầu tư BĐS vào Việt Nam hiện đã tốt hơn so với thời gian trước rất nhiều.

Hút dòng vốn và quỹ đầu tư ngoại

Không phải đợi đến khi đàm phán TPP thành công, thời gian qua, BĐS Việt Nam đã là điểm hút các dòng vốn ngoại và quỹ đầu tư nước ngoài. Quỹ Creed Group của Nhật Bản cam kết đầu tư hơn 200 triệu USD vào Việt Nam, hay quỹ Global Emerging Market của Mỹ cũng cam kết rót 20 triệu USD vào một số dự án. Nhiều chuyên gia lạc quan vào kịch bản khi TPP được ký kết, các nhà đầu tư quốc tế sẽ có sự dịch chuyển mạnh dòng vốn đổ vào thị trường Việt Nam.

Bà Đỗ Thu Hằng - Chuyên gia BĐS đánh giá: Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ cần thời gian để làm quen với môi trường đầu tư và quy định văn bản pháp luật. Để khắc phục được điều này, họ liên kết hoặc hợp tác trực tiếp với các nhà đầu tư trong nước. Khi đó, xu hướng về mua bán và sáp nhập sẽ nhộn nhịp hơn.

Còn ông Matthew Powell - Giám đốc Cty Savills Hà Nội thì cho rằng: Sẽ có nhiều khách thuê công nghiệp đến Việt Nam để tận dụng lợi thế của TPP và các hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam đã và đang tham gia. Nhu cầu về văn phòng chất lượng quốc tế cũng sẽ tăng đáng kể khi các tập đoàn tìm kiếm văn phòng tại trung tâm thành phố. Giao dịch đối với BĐS nghỉ dưỡng và phân khúc căn hộ cao cấp nhờ đó tăng lên.

Việt Nam đang ở giữa “tâm chấn” của những hiệp định mang lại lợi ích to lớn là các định chế của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Hiệp định thương mại tự do FTA, Cộng đồng kinh tế ASEAN - AEC và mới nhất là TPP. Cơ hội là rất lớn, đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục cải thiện hệ thống pháp luật để tự tin mở cánh cửa đón dòng vốn ngoại.

Rõ ràng với một thị trường còn khá non trẻ như thị trường BĐS Việt Nam thì việc hút được dòng vốn ngoại sau khi hiệp định TPP được ký kết sẽ là một cú huých rất lớn. Lợi ích đã thấy rõ, điều mà doanh nghiệp Việt Nam cần làm lúc này là chuẩn bị nội lực để sẵn sàng chơi trên một sàn đấu chuyên nghiệp với sự tham gia của nhiều tập đoàn, nhà đầu tư đa quốc gia. Sự cạnh tranh lúc này sẽ là rất quyết liệt nhưng cũng là phương thuốc để doanh nghiệp BĐS Việt Nam ngày càng lớn mạnh hơn.

Ninh Toàn - Báo Xây Dựng