Danh mục

Phó chủ tịch nước yêu cầu quy trách nhiệm tại các dự án lãng phí nghìn tỷ

Lượt xem: 887

Nhiều dự án tăng vốn đầu tư lên rất nhiều sau khi trúng thầu, khiến tình trạng đầu tư manh mún, dàn trải vẫn còn nhiều"đất" sống. 
 

Thực tế nêu trên được các đại biểu nêu tại phiên thảo luận chiều 21/2 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
 

Đây là bước đổi mới quan trọng trong quản lý ngân sách khi lần đầu tiên, vốn đầu tư công trung hạn được lên kế hoạch phân bổ trong 5 năm, thay vì quyết theo từng năm như trước. 
 

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV đã thông qua tổng số vốn đầu tư ngân sách Nhà nước kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 là 2 triệu tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách Trung ương 1,12 triệu tỷ (vốn trong nước 820.000 tỷ đồng, bao gồm 260.000 tỷ vốn trái phiếu Chính phủ và vốn nước ngoài 300.000 tỷ đồng); vốn cân đối ngân sách địa phương là 880.000 tỷ đồng.
 

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đến ngày 17/2 chỉ còn 3 địa phương là Ninh Bình, Thái Bình,Bình Định chưa gửi phương án phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương. Còn 3 bộ, ngành trung ương gồm Ngân hàng phát triển Việt Nam, Bộ Lao động thương binh & xã hội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chưa dự kiến phương án phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư từ nguồn thu để lại, chưa đưa vào cân đối ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020.
 

Dù đã được đề cập nhiều lần song theo Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, việc đầu tư dàn trải chưa có giải pháp khắc phục triệt để. Nhiều dự án chưa bố trí đủ vốn, nhiều dự án nhóm B, C quá thời hạn tới 3 năm mà chưa có vốn giải quyết, dẫn tới lãng phí lớn.
 

 PHƯƠNG LINH - Khẳng định đẳng cấp quốc tế

Nhiều dự án sau khi trúng thầu vốn đầu tư bị 'đội' lên nhiều so với dự toán ban đầu.
 

“Còn tình trạng tăng vốn đầu tư lên rất nhiều sau khi trúng thầu, như vậy là đã vô hiệu hóa đấu thầu. Rồi vẫn còn dự án đầu tư thu không đủ bù chi phí, nhất là đối với các công trình giao thông”, Phó chủ tịch nước nêu thực tế. Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh đề nghị tăng cường kỷ luật kỷ cương về đầu tư công, kỷ luật tài chính và quy trách nhiệm rõ ràng với số dự án này. Có như vậy mới hy vọng khắc phục tình trạng vi phạm đầu tư công.
 

Cho ý kiến về danh mục đầu tư công 5 năm tới của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh chủ trương,giao cho Chính phủ phân bổ vốn, Quốc hội sẽ giám sát, nếu sai sẽ “thổi còi”.Các danh mục dự án cần rót vốn phải tạo ra nguồn lực phát triển cho đất nước.Bà đơn cử ví dụ, trong lúc nhiều dự án đầu tư dàn trải thì như ngành tư pháp lâu nay vẫn phải đi thuê trụ sở toà án để làm việc.
 

“Không chấp nhận được một đất nước độc lập,thống nhất hơn 40 năm mà vẫn phải thuê 35 nhà dân làm toà án”, bà Kim Ngân nói và đề nghị cần có phương án bố trí vốn hợp lý cho ngành tư pháp, chứ không trông chờ vào vốn ngân sách rót hằng năm cho ngành này.
 

Để từng đồng vốn ngân sách Nhà nước rót vào các dự án đầu tư công được sử dụng hiệu quả, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị danh mục đầu tư của Chính phủ cần xác định trên tinh thần thứ tự ưu tiên: thanh toán nợ đọng cơ bản trước tiên, rồi đến thu hồi khoản vốn ứng trước,bố trí vốn đối ứng công trình ODA, PPP và các công trình chuyển tiếp.
 

“2 triệu tỷ đồng phải tập trung xử lý theo thứ tự đó, số còn lại mới phân bổ cho dự án mới theo Luật Đầu tư công.Ngay việc rót vốn cho dự án mới cũng phải vào những lĩnh vực tập trung ưu tiên,tránh dàn trải”, ông Lưu nêu ý kiến.
 

Báo cáo thêm với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội,Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, trong hai năm qua, Chính phủ đã làm việc với tất cả các bộ ngành, địa phương để hình thành danh mục. Chỉ rất ít dự án thay đổi so với danh mục ban dầu và Chính phủ giao cơ quan liên ngành làm việc lại với địa phương trên tinh thần lắng nghe ý kiến địa phương, giải quyết thấu tình đạt lý. Tuy nhiên, sau cuộc họp này Chính phủ sẽ giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư nghiêm túc tiếp thu và có giải trình thêm.