Xí nghiệp chế biến mủ cao su Chư Sê: Dân kêu trời vì ô nhiễm, cơ quan chức năng bảo đạt chuẩn!

Lượt xem: 1091

 

 

 
Xí nghiệp chế biến mủ cao su Chư Sê nằm ngay phía trên hồ thủy lợi xã Ia Glai
 

18 năm hít thở không khí hôi thối

Nhận được phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường của xí nghiệp chế biến mủ cao su Chư Sê, chúng tôi tìm đến thôn Thủy Lợi (xã Ia Glai), nơi xí nghiệp đang đứng chân. Vừa đến đầu thôn, chúng tôi đã ngửi thấy ngay mùi hôi đến khó chịu của mủ cao su.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Đỗ Em, một người dân sống ngay sát cạnh xí nghiệp cho biết, ông và gần 100 hộ dân đã sinh sống ở thôn Thủy Lợi từ năm 1978. Đến năm 1997, xí nghiệp chế biến mủ cao su Chư Sê mới được xây dựng. Ban đầu, nhà máy chưa có hệ thống xử lý nước thải, toàn bộ lượng nước thải đổ hết xuống hồ thủy lợi xã Ia Glai, nằm ngay phía sau xí nghiệp. Sau này, người dân ý kiến quá nhiều, xí nghiệp mới lắp đường ống dẫn nước thải và xây hệ thống xử lý nằm cách nhà máy hơn 1 km. Thế nhưng, dù có hay không có hệ thống xử lý, thì tình trạng mùi hôi vẫn không thuyên giảm.

“Xí nghiệp chế biến bắt đầu hoạt động từ 4 – 5 giờ sáng và đến tối khuya vẫn chưa nghỉ. Hàng ngày, dân chúng tôi nhà nào cũng đóng kín cửa, không dám mở vì mùi hôi mủ cao su, mùi khói thải từ ống khói xí nghiệp. Dù có đường ống dẫn nước thải nhưng, hầu như tuần nào cũng bị sự cố, nước thải lại chảy tràn xuống hồ thủy lợi xã Ia Glai và vườn nhà dân. Vườn nhà tôi cũng liên tục bị chết cà phê vì nước thải. Cứ mỗi lần như vậy, xí nghiệp lại đền bù 300 – 500 ngàn đồng/cây cà phê”, ông Đỗ Em than phiền.
 

 
Cỏ mọc um tùm xung quanh hệ thống xử lý nước thải của xí nghiệp
 

Năm 2013, tổ đánh bắt, nuôi cá thôn Thủy Lợi thành lập gồm 8 người. Ngoài đấu thầu thuê một phần diện tích hồ với giá 100 triệu đồng, tổ đánh bắt còn bỏ ra 97 triệu đồng để mua cá giống về thả. Thế nhưng, qua vài lần xảy ra sự cố nước thải tràn xuống hồ thì chỉ sau một tháng, trên 50% số cá đang nuôi đều bị chết. Gần 50% cá còn lại thì không thể lớn nổi và cũng chết dần. Từ đó đến nay, hồ thủy lợi chẳng nuôi được con gì nữa, mặc dù hợp đồng thuê hồ có thời hạn đến 5 năm.
 

 
Nước thải đen, đặc, đóng rêu xanh được cho chảy tràn qua các bể
 

Theo phản ánh của người dân, 2 năm trở lại đây, xí nghiệp sử dụng củi để sấy lò nên lượng khói thải càng nhiều hơn. Hệ thống xử lý nước thải tuy nằm cách xa cả 1 km nhưng ở trên cao hơn nên mùi hôi vẫn theo gió hắt về. Vì hít thở mùi hôi và khói thải nên dân ở đây thường xuyên bị đau đầu, tức ngực, người mệt mỏi. Đặc biệt là người già và trẻ em.

Theo ông Nguyễn Công Tôn – Trưởng thôn Thủy lợi cho biết: “Trước kia, thôn Thủy Lợi có hơn 100 hộ sinh sống. Nhưng từ khi xí nghiệp chế biến mủ cao su Chư Sê hoạt động và gây ô nhiễm, đã có 20 hộ chuyển đi nơi khác sống vì không chịu nổi. Bà con trong thôn đã kiến nghị nhiều lần lên các cấp chính quyền trong các cuộc họp, tiếp xúc cử tri để yêu cầu xử lý. Nhưng đã gần 20 năm qua, tình trạng ô nhiễm không những không thay đổi mà ngày càng nặng nề hơn khiến bà con rất bức xúc. Hiện tại, mong muốn của tất cả các hộ dân trong thôn là được di dời ra nơi khác sinh sống, đảm bảo không ảnh hưởng đến sức khỏe, tập trung phát triển kinh tế”.
 

 
Hai ống dẫn nước thải vào bể lắng 2 chổng ngược lên trời
 

Cơ quan chức năng nói không ô nhiễm!

Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường về vấn đề này, bà Phùng Thị Hà – Chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Sê (Gia Lai) cho biết: Phòng TN&MT huyện Chư Sê cũng thường xuyên nhận được kiến nghị của cử tri về vấn đề ô nhiễm xí nghiệp chế biến mủ cao su Chư Sê. Nhưng xí nghiệp này thuộc quản lý của Sở TN&MT, Phòng chỉ là đơn vị giám sát và phối hợp, không thể trực tiếp kiểm định mức độ ô nhiễm của xí nghiệp.

“Xí nghiệp đã có Báo cáo đánh giá tác động môi trường với hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn. Phòng TN&MT cũng thường xuyên phối hợp với Sở TN&MT tỉnh để kiểm tra, lấy mẫu nước thải đi kiểm định. Phòng ban chuyên môn là Chi cục bảo vệ môi trường sau khi thẩm định đã kết luận: Nước thải sau xử lý của xí nghiệp đã đạt tiêu chuẩn đầu ra theo QCVN 01:2008/BTNMT” - bà Phùng Thị Hà khẳng định.
 

 
Đường mương dẫn nước thải đen kịt xuống suối nằm sát bên bể lắng 2 cỏ đã mọc gần kín mặt hồ
 

Cụ thể, tại Báo cáo số 116/BC-STNMT ngày 26/6/2015 của Sở TN&MT tỉnh Gia Lai trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri đã nêu rõ: Qua các lần kiểm tra, hệ thống xử lý chất thải của xí nghiệp vận hành ổn định, không có hiện tượng xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường. Còn về mùi hôi từ quá trình lưu trữ nguyên liệu, ủ mủ và phân hủy chất hữu cơ trong nước thải đã được xí nghiệp áp dụng nhiều biện pháp giảm thiểu. Tuy nhiên, do đặc thù ngành chế biến mủ cao su nên vẫn chưa có công nghệ nào xử lý triệt để mùi hôi.
 

Nước thải chảy đi đâu?

Đi theo một người dân dẫn đường, chúng tôi đến quan sát trực tiếp tại hệ thống xử lý nước thải của Xí nghiệp chế biến mủ cao su Chư Sê. Hệ thống đặt trên cao, sâu trong rẫy vườn của người dân, xung quanh cỏ mọc um tùm và không hề có công nhân vận hành hay kiểm tra. Tại đây, nước thải được cho chảy tràn qua các bể, đến 2 bể lắng rồi thải ra suối làng Kot. Các bể đều lộ thiên nên mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.
 

 
Đường ống dùng để bơm nước từ dưới suối lên bể lắng 2.
 

Tại bể lắng thứ nhất, có đặt một máy sục khí nhưng không hề hoạt động. Nước thải tại đây vẫn còn màu đen và nổi váng xanh. Tại bể lắng 2, cũng là công trình cuối cùng của hệ thống xử lý, cỏ mọc kín mặt hồ. Thế nhưng, 2 ống dẫn nước thải vào bể này lại không được nối theo dây chuyền xử lý mà lại chổng ngược lên trời (!?). Phóng viên đặt câu hỏi: “Vậy nước thải đã đi đâu?”. Người dẫn đường cho chúng tôi chỉ tay về đường mương nằm bên cạnh, chứa đầy nước thải màu đen kịt, bốc mùi hôi thối. Nếu đúng như vậy thì mương dẫn nước thải này chảy thẳng xuống suối.
 

Theo báo tài nguyên và môi trường